ĐỘ PH TRONG AO NUÔI TÔM VÀ ĐIỀU CẦN BIẾT

PH là chỉ số đo độ hoạt động (hoạt độ) hay nồng độ của các ion hydro (H+) có trong dung dịch và vì vậy là độ axit hay bazơ của nước. Giá trị pH thường nằm trong khoảng từ 0 đến 14: với giá trị pH bằng 7 chỉ môi trường nước trung tính; giá trị pH thấp hơn 7 chỉ ra rằng độ a-xít đã tăng lên và giá trị pH cao hơn 7 chỉ ra rằng độ kiềm đã tăng lên.

1. Độ pH Thích Hợp Cho Tôm 

Với ao nuôi tôm, pH tối ưu nhất nên được duy trì ở mức 7,5 – 8,5 và dao động trong ngày không được quá 0,5. Nếu pH quá thấp sẽ làm tăng nồng độ khí độc H2S, đồng thời làm giảm khả năng tích trữ khoáng, khiến tôm bị mềm vỏ. Nếu pH quá cao, nó sẽ làm tăng độc tính của các chất khác (như amoniac ở độ pH bằng 8 sẽ có độc tính cao gấp 10 lần so với độ pH bằng 7), kết hợp với các điều kiện cụ thể sẽ khiến tôm bị ngộ độc. Tôm sinh trưởng thời gian dài trong môi trường nước có pH thấp hoặc cao vượt ngưỡng thường sẽ chậm lớn, còi cọc và dễ mắc bệnh. Ngoài ra, nếu pH dao động mạnh trong thời gian ngắn cũng khiến tôm bị sốc, suy yếu, bỏ ăn và có thể chết.

Tôm thẻ chân trắng nói riêng, và các loài thủy sản nói chung, sẽ chết nhanh chóng nếu độ pH nhỏ hơn 4 hoặc lớn hơn 11.

pH Ảnh Hưởng
4 Điểm gây chết vì tính a-xít
4-5 Không sinh sản
5-6 Tăng trưởng chậm
6-9 Tăng trưởng tốt
9-11 Tăng trưởng chậm
11 Điểm gây chết vì tính kiềm

Bảng 1. Mức độ pH và ảnh hưởng đối với các loài thủy sản nói chung

2. Dao Động pH – Một Hiện Tượng Tự Nhiên Trong Ao Nuôi

Nước ở điều kiện tự nhiên có độ pH phụ thuộc vào thành phần hóa học có trong nó và thường ở mức 5 khi không có độ kiềm hoặc 8 và cao hơn khi độ kiềm từ 100mg/l trở lên.

Loại Nước pH
Nước tiếp xúc với đất có hàm lượng a-xít sunfat cao 2 – 5
Nước từ khu vực rừng rậm có nồng độ a-xít hữu cơ cao 4 – 6
Nước ở khu vực ẩm ướt, có đất bị rửa trôi nhiều 5,5 – 7
Nước ở khu vực ẩm ướt, có đá vôi 7 – 8
Nước ở khu vực khô hạn 8 – 9,5
Nước biển 7,9 – 8,2

Bảng 2. Độ pH phổ biến ở các nguồn nước tự nhiên

Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái ao nuôi, thực vật phù du và các vi sinh vật khác cần được tạo điều kiện để phát triển trong môi trường nước. Điều này lại dẫn đến tốc độ quang hợp cao vào ban ngày, cùng với rất nhiều hô hấp diễn ra mọi lúc. Cả 2 quá trình này đều tác động đến lượng CO2 (một chất có tính axit) trong nước, tạo ra sự dao động pH trong ao nuôi theo chu kỳ ngày đêm.

Ở các ao có độ kiềm thấp (0-40 mg/l):

  • pH thường ở mức 6-7 vào lúc sáng sớm (nồng độ CO2 cao nhất);
  • Bắt đầu tăng dần khi ánh sáng mặt trời kích hoạt quá trình quang hợp;
  • Đạt mức cao nhất khoảng 9-10 vào buổi chiều (nồng độ CO2 thấp nhất);
  • Rồi giảm dần khi thực vật phù du ngừng quang hợp.

Biên độ dao động pH này ở các ao có độ kiềm tự nhiên cao hoặc đã được bón vôi là 7-8 vào sáng sớm và 8-9,5 vào buổi chiều.

Với ao nuôi được gây màu nước và quản lý tốt (thực vật phù du và vi sinh vật phát triển ở mức hợp lý), dao động pH nêu trên là một hiện tượng tự nhiên diễn ra thường ngày và không gây hại cho tôm. Tuy nhiên, bà con có thể giảm biên độ dao động giữa pH tối thiểu (sáng sớm) và pH tối đa (buổi chiều) thông qua việc kiểm soát sinh khối thực vật phù du, bón vôi cho các ao có độ kiềm thấp và bổ sung canxi hòa tan (như thạch cao) cho các ao có độ kiềm trung bình-cao nhưng nồng độ canxi thấp để tối ưu hóa pH môi trường nước cho tôm.

3. Cách Tăng – Giảm pH Ao Nuôi

Trong quá trình nuôi, độ pH của nước có thể tăng quá cao hoặc giảm quá thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Thực vật phù du phát triển quá mức hoặc suy giảm đột ngột, làm ảnh hưởng nồng độ C02 trong nước;
  • Mưa nhiều, kéo dài làm tăng tính axit nước ao hoặc rửa trôi phèn xuống ao;
  • Hàm lượng kim loại nặng tăng cao;
  • Phản ứng nitrat hóa từ quá trình phân hủy chất thải hữu cơ làm tổng độ kiềm tăng giảm thất thường.

Cần xác định rõ nguyên nhân làm biến động pH để có hướng xử lý từ gốc để duy trì ổn định pH ao nuôi. Tuy nhiên, trong trường hợp cần điều chỉnh nhanh để cứu tôm, bà con có thể tạm thời tăng/hạ pH của nước bằng cách sau:

Cách tăng pH cho ao tôm

Ở trường hợp pH trong ao giảm tương đối thấp, chúng ta có thể làm tăng pH lên bằng cách tạt bột đá Cacbonat (CaCO3). Cách này có tác dụng tương đối chậm nên chỉ áp dụng trong trường hợp pH không quá thấp.

Đối với trường hợp pH trong ao thấp xuống rõ rệt, chúng ta cần sử dụng vôi bột (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2) để cải thiện. Sử dụng vôi tôi với liều lượng 0,5 – 1kg/100m2 bón trong khoảng thời gian 8 – 20 giờ.

Để tăng độ pH nhanh trong thời gian ngắn, sử dụng 20 – 30kg CaO trên 1000m3.

Lưu ý nên bón vôi vào buổi chiều, khi thời tiết mát mẻ hoặc có mưa để đạt hiệu quả cao hơn.

Cách giảm pH ao tôm

Buổi sáng trời nắng nên pH trong nước thường tăng cao (> 8,5) vì vậy chúng ta cần tìm cách giảm độ pH xuống.

Bà con có thể dùng mật rỉ đường theo tỉ lệ 0,3kg/1000m2 hoặc cách thông thường là ủ chế phẩm sinh học Em gốc với mật rỉ đường 24 – 48 tiếng để tạt xuống ao, nhằm phát triển hệ vi sinh vật phân hủy, tạo ra CO2 giúp làm giảm pH.

Trong những ngày nắng gắt pH dễ tăng cao đột ngột (> 9), bà con nên cân nhắc sử dụng formol theo tỉ lệ 3 – 4ml/m3 để phun xuống ao.

Người nuôi tôm cần lưu ý, những loài thực vật như rễ cây, rong rêu ở trong nước cũng là một phần nguyên do làm tăng độ pH. Vì vậy để giảm pH một cách hiệu quả thì bà con cần chủ động kiểm soát số lượng tảo, cây cỏ mọc trong ao nuôi của mình. Có thể chuyển sang nuôi tôm trong các loại ao nổi có lót bạc để dễ dàng kiểm soát độ pH cũng như những yếu tố liên quan đến môi trường nước tốt hơn.

Mọi thắc mắc về sản phẩm VÔI ( CACO3), VÔI BỘT (CaO) BICAZ (NAHCO3), CHẾ PHẨM VI SINH EM, MẬT RỈ,… hay cần báo giá chi tiết, quý khách vui lòng gọi đến số hotline 0934564401 hoặc 0934561220 để được hỗ trợ giải đáp trực tiếp.

Địa chỉ kho hàng tại: Km 9, Hải Đông, Móng Cái, Quảng Ninh

Trụ sở chính: 172 Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *