KỸ THUẬT NUÔI KẾT HỢP TÔM CUA CÁ

Việc áp dụng các hình thức nuôi kết hợp mới và đa dạng đối tượng nuôi là giải pháp thiết thực và hiệu quả để ổn định nghề nuôi cá hiện nay.

Mô hình nuôi tiềm năng
Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua và cá là hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi.

Theo thông tin từ người dân và UBND xã Xuân Lộc (Thanh Hóa), mô hình nuôi này cho ra hiệu quả cao. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt khoảng 370 tấn (bao gồm nuôi trồng đạt 340 tấn, khai thác đạt 30 tấn) và cho giá trị sản xuất đạt hơn 8,5 tỷ đồng.

Được biết hiện nay, trên toàn xã đã có 60 hộ dân đang theo mô hình nuôi trồng thủy sản xen canh với tổng diện tích 160 ha (trong đó 60 ha nước ngọt nuôi cá, lúa và 100 ha nuôi tôm, cua, cá). Đây được xem như hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.

Hộ ông Nguyễn Văn Bốn (thuộc thôn Bái Hà Xuân, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nhận thấy tiềm năng của đồng đất địa phương trong việc nuôi trồng thủy sản thay vì chỉ canh tác lúa đơn thuần. Ông tiến hành thuê thầu một phần đất của xã, cải tạo ao đầm, chuyển đổi vật nuôi nhằm gia tăng thu nhập cho gia đình.

Đến nay với 5 ha ao đầm nuôi xen canh, mô hình nuôi của gia đình ông Bốn cho thu nhập khoảng 200 – 300 triệu đồng mỗi năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu thông thường khác.

Ông cho biết thêm, mô hình nuôi xen canh này khác hẳn với nuôi công nghệ cao, thức ăn chủ yếu dùng cho nuôi trồng thủy sản theo hướng quảng canh sản là cá, tôm, bột ngô xay nhuyễn. Lưu ý trong quá trình nuôi, các loài thủy sản nuôi kết hợp thường dễ mắc bệnh vào vụ xuân – hè, do đó cần chú trọng việc thay nước và vệ sinh sạch sẽ ao nuôi.

Ưu điểm của mô hình nuôi kết hợp
Trong mô hình nuôi xen ghép, ngoài cua và tôm (có thể thả tôm thẻ hoặc tôm sú), tùy theo điều kiện ao nuôi ở từng vùng mà chọn đối tượng cá thả nuôi ghép cho phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thông thường, cá nuôi ghép cùng là loại có tập tính ăn mùn bã hữu cơ như cá đối, cá dìa, cá măng,..

Con giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, thông qua kiểm dịch, được mua từ các cơ sở có kiểm soát chất lượng thủy sản và quá trình sản xuất đạt tiêu thụ chuẩn.

Đặc điểm của mô hình này là thả tôm nuôi mật độ thưa, diện tích rộng nên bà con chỉ áp dụng biện pháp kỹ thuật ở mức độ thấp. Ở mật độ nuôi này có thể tiện cho bà con việc chăm sóc, quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật. Các loại thủy sản nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển.

Hình thức nuôi xen ghép, kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững.

Hình thức nuôi kết hợp này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, tạo hướng đi mới cho nghề NTTS, tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *